''Công trình '' quét tước lau lia hôm rồi thì sáng nay đã hóa thành công cốc. Bởi đêm qua chợt có gió mạnh từ đâu thổi về suốt cả đêm và đến chiều hôm nay mới nhẹ bớt. Sáng ra thì mấy cây Mãn Đình Hồng đã đổ rạp xuống đất, định bụng sẽ dựng nó lên lại,nhưng khi cầm tới thì mới biết là nó đã gãy dập mất thân cây rồi. Năm ngoái tết trễ nên Mãn Đình Hồng kịp nở, năm nay tết sớm nên cây nào cũng chỉ mới nụ. Còn sân bãi gì thì ngập tràn lá vàng,hoa rụng...Đất cát vương vãi tứ tung, nhìn mà ngao ngán.
Ừ nó cũng như lòng con người đấy. Dù có thanh tâm tu dưỡng đến đâu nhưng nếu chẳng may gió đời đưa đẩy mà ra sa ngã, thì cũng chóng chầy như cơn gió đêm qua và thềm nhà đang sạch sẽ đó vậy.
****
Chạy ra chợ hoa coi có gì đáng mua hay không, nhưng chợ hoa đã dẹp tiệm. Đứng tần ngần nhìn quanh ngó quẩn một lúc rồi rẽ vào một ngôi chợ nhỏ việt nam gần đó. Bước vào thấy thiên hạ đông đen đang hối hả mua sắm. Nhạc trong chợ vẫn mấy bài nhạc xuân xưa cũ rỉ rả hát .. " Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm...''. Chợ ngày cuối năm khá nhộn nhịp, dạo một vòng thấy có mặt cả những nghệ sĩ hải ngoại có tiếng tăm đang đi mua...thịt cá. Mua đồ ăn nhiều nhất là vợ chồng nghệ sĩ hài Vân Sơn. Hôm nay mới biết anh này khá là đảm đang vì cô vợ được chia nhiệm vụ đứng xếp hàng tính tiền trước, còn anh chàng thì tất tả ngược xuôi mà ôm từng bịch đường hũ muối như con kiến tha mồi về cho...vợ. Kể ra vợ chồng họ cũng khôn ngoan. Chứ lãng mạn dắt tay ôm eo ếch nhau mà sắm sửa, thì lát ra xếp hàng mệt nghỉ.
Sau cùng thì cũng lựa được vài chậu hoa lan Hồ Điệp, mấy bó hoa cúc vàng và hai chậu lan Mỹ. Năm nay quyết định trưng hoa bàn thơ Chúa Mẹ với tông màu vàng. Tự nhiên thấy màu vàng có vẻ mang mác làm sao ấy.
*****
Bữa cơm chiều ba mươi tết có món ''căn bản'' là thịt kho trứng. Giò chả người ta cho cũng nhiều,nhưng ở xứ này thì giò chả vốn là thứ tầm thường chán ngán. Tuy vậy nhưng nhiều người Việt vẫn giữ cái phong tục quê nhà là giò là quý báu lắm. Ca dao cũng có câu : " Ăn cơm rau muống thì ngáy ro ro. Ăn cơm với giò thì lo ngấy ngấy ". Nghĩa là nghèo khó buổi tối cứ ngủ thẳng cẳng chẳng sợ gì trộm đạo. Còn giàu có ăn giò lụa chả quế thì tối phải ''thao thức'' lo có kẻ đột nhập mà bóp lè lưỡi. Còn bây giờ câu ca dao ấy ứng với xứ này thì vẫn đúng. Bởi ăn rau muống sẽ thấy ngon lành nên thỏa mãn mà ngáy o o. Còn ăn giò thì chán ngán mà lo ngây ngấy vì sợ ngày mai... bị ăn giò nữa.
*****
Chắc trong 30 năm qua thì năm nay đêm giao thừa mình thầm lặng nhất. Còn thầm lặng hơn thời mới sau 75. Thời đó dù nghèo khó lắm nhưng đêm giao thừa vẫn rất vui. Những năm đó thường chiều 30 thì ông bố mình đạp xe từ cty về với cục thịt heo bầy nhầy treo lủng lẳng bằng sợi dây lạt. Tủ lạnh thì không có, nên muốn giữ thịt để ăn thì dùng...cám heo mà phủ lên nó. Không biết cách đó do ai ''sáng tác'' ra, nhưng hình như chẳng mấy hiệu quả. Bởi chỉ bữa sau thôi là ăn miếng thịt đã có mùi vị của...mắm tôm chua.
Hai năm trước thì đêm giao thừa cứ canh khoảng 11 giờ là lại lái xe chạy ra chùa coi đốt pháo cùng ngắm thiên hạ chen lấn lũ lượt vào sân chùa để xin lộc đầu năm. Chùa bên này hình như khá giả hơn chùa trong nước,nên cứ ai xếp hàng thì được một vài nhành mai và hai trái quít. Năm nay tự dưng chẳng muốn đi nữa. Mà vì tết vào ngày thường nên thánh lễ giao thừa đêm nay ở xứ mình cũng chẳng có,do họ đã tổ chức lễ đêm giao thừa từ chiều thứ bảy...tuần trước. Ngồi nghe phone từ Vn cho đến trước 15 phút là sang giờ khắc của năm mới thì ngưng để ra bàn thờ đốt hương thắp nến mà dâng kinh cầu nguyện. Đọc nửa chuỗi trong nhà rồi bước ra ngoài hiên nhà đọc nửa chuỗi nữa. Định bụng sẽ kết kinh ở tượng Đức Mẹ lộ thiên trước nhà. Vậy nhưng chợt thấy có một bà già nhà ai đang chắp tay khấn vái gì ở đấy, nên thôi không ra nữa, để bà ấy tha hồ tâm sự với ''Đức Mẹ nhà hàng xóm''.
*****
Mở TV nghe một lời ''hào hùng'' từ tên MC khá dzỏm đời như ri : '' Dù chúng ta bị Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm, nhưng dân ta vẫn giữ được cái tết truyền thống của dân tộc''. Ừ dân tộc mà thật ra là dân tộc...Tàu. Các siêu thị của Mỹ bên này thì cũng có nhiều nơi ghi hàng chữ '' Happy Chinese New Year'' chứ tuyệt nhiên không thấy ghi chữ có tên Việt Nam nào, dù khách Việt ở vùng này vẫn là dân mua sắm nhiều hơn cả.
Bởi Tết là Tiết. Người Trung Quốc quan niệm có 24 tiết thì thành một năm theo âm lịch. Mà trong đó quan trọng nhất là Tiết Nguyên Đán, vì nó là thời gian bắt đầu cho các vụ mùa. Chúng ta đã ảnh hưởng từ họ lâu đời nên thấm xương nhập cốt, nên ai ai cũng ít nhiều quan trọng ba ngày tết của năm mới. Đến mức có người lễ giáng sinh, lễ phật đản thì chẳng tham dự, nhưng lễ giao thừa thì đi chật cả nhà thờ, đầy cả sân chùa.
Mình mấy ngày trước đã nói với tên môn đệ rằng.. " Con đừng quan trọng quá thánh lễ giao thừa, mà thành định kiến. Bởi các tôn giáo cũng đặt ra những lễ này lễ kia cho hợp với lòng người, chiều theo lòng người thiên hạ để người ta thích. Chứ giao thừa vốn của Tàu thì chẳng liên quan chi đến đạo ta hay đạo người cả. Nên con thấy có ý nghĩa và thuận tiện thì đi, chứ không bắt buộc. Còn không thì cứ dọn nhà sạch sẽ mà ngồi chơi với cha mẹ già, thì có khi còn phúc hơn gấp bội".
*****
Thế nhưng có tết âm lịch vẫn hay. Để người Việt dù ở đâu cũng có thêm cơ hội mà nhớ về đất nước, nhớ thân nhân bạn hữu. Nó cũng là cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn với đất trời với những bậc sinh thành, trưởng thượng. Đó là thời gian mà con người ta bỏ qua chuyện cũ, hướng về những điều tốt lành mới mẻ. Đó là lúc người ta thường vui vẻ hồ hởi mà bắt tay nhau và nói toàn điều may lành lịch sự. Đó cũng là lúc mà những ai đang yêu nhau thấy ấm áp và hạnh phúc hơn trong mối duyên giữa mùa xuân hồng vàng nắng.
Giao Thừa Tết Tân Mão 2011
Tịnh Mạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét