
Ngày Black Friday đã qua, nhưng nó chỉ là ngày bắt đầu cho kỳ mua sắm náo nhiệt hơn hết của một đất nước được cho là giàu mạnh nhất hành tinh này. Mùa mua sắm mạnh nhất được diễn ra từ nay cho tới gần ngày tết DL. Hầu hết các siêu thị, trung tâm mua bán, mở cửa suốt ngày và tất cả các loại hàng hóa được giảm giá khá nhiều. Tuy nhiên những thứ được giảm giá thì thường là những mặt hàng xa sỉ, không là loại tối cần thiết cho cuộc sống như điện máy, quần áo, trang sức, mỹ phẩm....Cảnh tượng người ta chen chúc nhau tại các siêu thị rộng lớn thì chỉ được thấy trong ngày Black Friday này. Có khi còn chứng kiến được những vụ cãi nhau vì chỗ xếp hàng hay sự đôi co giữa khách mua hàng và người bán. Bởi nhiều nơi chỉ hạ giá cho từ 10-100 người đầu tiên, nên đôi khi sự giành nhau sẽ xảy ra. Một điều mà hình như là hy hữu nếu không phải trong đêm ngày lễ hội mua bán tấp nập nhất một năm. Vì ở một đất nước mà hàng hóa, thực phẩm luôn chất cao như núi, chẳng mấy khi có chuyện khan hiếm hay giá cả leo thang, thì việc gì mà phải giành giật- chen lấn, trừ khi nó được bán hạ giá lớn và với một số nhỏ con người có tính tham lam, dễ kích động và thiếu ý thức cộng đồng.
Các nhà kinh tế của đất nước sẽ dựa vào sức mua của người dân mà đưa ra những dự báo kinh tế cho cả năm. Có nghĩa là khi người dân dám trút hầu bao ra nhiều để mua sắm năm nay, thì có nghĩa là kinh tế sẽ hay đang khởi sắc, lòng tin của dân vào đời sống nhiều hơn. Còn ngược lại thì là một dấu hiệu cho nền kinh tế ảm đạm và là một thái độ e dè trước tương lai sắp tới.
****
Trong ngày Black Friday, nếu ai có nhu cầu mua sắm lớn thì có thể sẽ tiết kiệm được khá hơn. Còn mua lẻ vài ba món thì cũng chẳng được là bao, mà lại tốn công chen chúc xếp hàng rồng rắn tại những quầy tính tiền. Chưa kể việc tìm một chỗ đậu xe trước khu thương mại cũng là một vấn đề trần thân gai góc. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người dù chỉ mua vài món lặt vặt, lời lã chẳng đáng bao nhiêu, hoặc cũng chẳng mua được gì, nhưng họ vẫn thức đêm dậy sớm, để nhào ra những khu mua bán ấy, để chúi mũi vào lục lọi tung tóe đồ đạc và đắm chìm trong sự nhộn nhịp đó như một niềm vui. Một hương vị, sức sống riêng tư nào của đời họ, khi họ chứng kiến những con người chung quanh hối hả kéo những chiếc xe chở đồ nặng trĩu hay tay xách nách mang từng bao đồ to tướng mà ục ịch di chuyển về qua lại với nét mặt hớn hở,hả hê.
****
Có nhiều điều khác biệt giữa sự mua sắm ở Mỹ và các nước khác mà trong đó có cái rất hay là hàng hóa mua rồi rất dễ trả lại. Hầu hết các loại sản phẩm được mua về, thì nếu vì lý do gì mà không ưng ý, thì cứ tự nhiên mang trả lại dễ dàng. Không có cảnh ngồi tự trách mình ngu vì mua nhầm, mua ẩu hay ra chỗ bán mà lý gio lý trấu, đôi co, năn nỉ, cãi vã vì muốn trả hàng. Trên các tờ biên lai mua bán họ ghi rõ hàng hóa có thể trả lại từ 30-90 ngày. Có nơi thì không có giới hạn ngày và thậm chí không cần biên lai nữa. Ví dụ một bộ đồ mua cách đó 4-5 tháng chưa mặc tới, một ngày kia nhìn lại thấy nó quê kệch, thì có thể trả lại và lấy lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra kèm lời cám ơn từ nhân viên thu ngân. Còn các loại hàng điện máy, có thể đã xé bao bì để xài thử một thời gian rồi vẫn trả lại rất đơn giản mà chẳng bị phiền toái chi cả. Khi mang hàng trả lại thì cũng chẳng phải bịa đặt ra một lý do hợp tình hợp lý nào. Nếu thấy không thích, không muốn mua nữa thì câu nói '' Tôi không thích nó '' là một lý do chính đáng, được chấp nhận. Khi ấy chỉ đơn giản ký tên vào tờ biên lai mà không buộc phải ghi rõ họ tên hay bất kỳ thông tin cá nhân nào khác.
Người nhận hàng sẽ hỏi một câu đại loại là '' Nó có vấn đề gì ? " " Nó có hư gì ? "... Nếu nói món hàng đó hư, nó khiếm khuyết gì, thì người ta sẽ ghi tờ giấy về các lỗi ấy để gửi về hãng mà sửa chữa. Còn không thì họ lại bày bán với giá hàng qua tay người khác. Mà dù gửi về hãng sửa chữa hay không, nếu mang bán lại sản phẩm ấy, thì sẽ không được bán với giá khi nó còn ''trinh tiết'' nữa.
Điều này kích thích người mua và khi mua hàng người ta không cần tính toán nát óc mà cẩn thận săm soi nhiều, vì rõ ràng quyết định mua sắm hôm nay có thể thay đổi sau gần 3 tháng nữa. Tuy nhiên đối với những con người xấu xa thì nó là một việc làm mang tính lợi dụng, mất công bằng và rất đáng xấu hổ. Ví dụ như tới tháng nóng nhất của năm thì rủ nhau đi mua máy lạnh, quạt máy về xài một tháng rồi đem trả lại. Hay mua bộ đồ thật oách, về khéo léo gỡ tem ra mặc đi đám cưới, đám ma chi đó, rồi lại khéo léo may cái nhãn vào mang trả lại mà lấy tiền về. Việc làm đó không những gây thiệt hại cho những cơ sở buôn bán mà còn gián tiếp làm hại cộng đồng vì nhà sản xuất sẽ tăng giá hàng để đền bù vào những thiệt hại thường xuyên của họ.
Ngay cả việc mua hàng online cũng thế. Khi đặt một món hàng nào đó rồi qua đường bưu điện được chuyển đến rất an toàn tới mình, nhưng khi thấy không ưng ý thì lại nhét nó vào hộp và gửi ngược lại trả, số tiền sẽ không bị trừ hoặc sẽ được trả lại nguyên xi trong thẻ tín dụng của người mua mà chẳng có thắc mắc, điều trần gì.
Tóm lại sự mua sắm thì khỏe re nếu có tiền. hàng hóa thì đa dạng, đầy đủ, dư dật. Mua không cần suy nghĩ tại chỗ, về nhà từ từ tính toán rồi ''hối hận'' cũng chẳng bao giờ muộn. Trả hàng thì đơn giản như đang giỡn. Bởi chỉ với cái lý do '' tôi không thích, tao không ưa'' ấy để trả lại món hàng đã xài, mà nói với người bán hàng ở một xứ khác, thì dễ bị chửi ê mặt hay có khi bị đánh phù mỏ, thậm chí bị đâm lòi phèo như chơi.
Vì thế ở xứ này việc mua sắm thường là thú vui của rất nhiều người. Đến mức nó như là một loại hình giải trí. Đến mức nó thành bệnh, thành một thứ nghiện, mà người ta gọi là :
Bệnh nghiện mua sắm.
Hầu hết dân tình ai cũng có nhiều lần mua sắm linh tinh. Nhà nào, người nào cũng có nhiều thứ không cần sử dụng. Nhiều khi mua để trả lại. Mua để...đó hay mua để...vứt. Đến độ mà người ta phải dạy nhau rằng, chỉ mua khi thấy thật sự cần thiết. Cái gì không cần thì kh
ông mua. Có rẻ cũng không mua. Có cho không cũng không thèm lấy. Bởi khiêng về chỉ tổ làm bừa bộn, chật chội nhà cửa và rồi cũng tốn thời gian mà kiếm chỗ ''thanh lý'' nó.
Black Friday 2010
Tịnh Mạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét