Một chàng nông dân nào đó tình cờ cứu một con vật thoát chết, thì nó sẽ tặng một viên ngọc có phép báu, để tạ ơn người cứu mạng. Những tình tiết na ná như thế có nhiều trong các truyện cổ tích của mọi dân tộc trên hành tinh này. Từ xa xưa các bậc khôn ngoan của thế gian đã luôn nhắc nhở, giáo dục cho người ta từ khi còn rất bé một điều căn bản, đó là lòng biết ơn
Cứu rắn rắn nhả ngọc. Cho quạ ăn khế, quạ trả vàng.
Người ta muốn nhấn mạnh rằng đến con vật còn biết thế. Chẳng lẽ con người lại không?
Lòng biết ơn không thể tự nhiên có, mà nó phải được giáo dục cùng sự tu dưỡng luôn luôn. Bởi con người hình như có một đặc tính là mau quên ơn và luôn nhớ oán. Ai làm ơn cho ta cả trăm cả ngàn vẫn chưa đủ, nhưng chỉ một lần tạo oán là oán đã nhiều. Thậm chí nếu họ không làm ơn cho ta nữa, thì có khi chỉ nhiêu đó cũng thành hận oán rồi.
Rất nhiều lần trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường bắt gặp những con người không muốn mang ơn người khác. Họ sợ nợ nần, họ sợ sẽ phải trả gấp mười gấp trăm ở kiếp này hay kiếp khác. Có người thì hôm nay ta mời họ một trái cam, thì lập tức ngày mai họ trả lại một trái quýt cho mình. Có người thì dù gặp một khó khăn nào đó nhưng nhất quyết không cậy dựa, nhờ vả một ai. Nhìn thoáng qua thì có vẻ cũng hay hay, có vẻ đấy cũng là một nhân cách, nhưng kỳ thực thì phảng phất đâu đó là lòng kiêu ngạo, sự lạnh lùng, vô cảm. Thường thì những người như thế cũng chẳng mấy khi giúp đỡ, làm ơn cho ai. Họ sợ mang ơn, nhưng cái ơn của trời đất, của con người chung quanh thì không cách nào từ chối được. Khi đau bệnh, họ mua vài viên thuốc và coi đó là sự trả giá công bằng, nhưng họ biết đâu trước đó có một nhà khoa học đã hy sinh cả đời mình để nghiên cứu thành công liều kháng sinh đó, và nhà khoa học ấy vĩnh viễn đã trở thành ân nhân của cả nhân loại.
Bởi thế lòng biết ơn cũng cần sự trải rộng tâm hồn và suy nghĩ, chiêm nghiệm. Hãy nuôi dưỡng lòng biết ơn sống mãi cùng tháng năm. Để nhờ đó mà loại bỏ đi sự vô ơn hay lòng biết ơn ngắn hạn. Hãy nhắc nhở với chính mình rằng vết thương của sự vô ơn mà ta gây ra cho người khác chắc chắn là một vết thương to lớn. Không chỉ làm họ đau lòng, buồn bã thôi, mà có thể nó sẽ khiến người ấy nguội lạnh với lòng nhiệt huyết khi muốn giúp đỡ, thi ân cho ai khác nữa.
Do đó biết ơn trời, tạ ơn trời là một hạnh phúc và biết ơn người, cảm ơn người là một niềm vui của cách sống cao thượng
***__
Ở nước Mỹ thì lễ tạ ơn gần như là ngày lễ lớn nhất của một năm. Mọi người có đều chuẩn bị ít nhiều cho ngày này, kể cả những sắc dân nhập cư. Bởi nó vốn có một ý nghĩa tuyệt vời từ tinh thần của những người di cư đầu tiên. Họ đã vượt biển tìm sự tự do và trải qua những gian nan, tuyệt vọng suốt trong chuyến hải hành. Khi đến được vùng đất mới họ đã gặp một thời tiết khắc nghiệt và vô vàn sự hiểm nguy, trắc trở. Họ đã vững niềm tin vào thượng đế và nhận lấy sự giúp đỡ từ các thổ dân da đỏ. Để sau một năm vất vả để xây dựng, học hỏi mà thích nghi với cuộc sống mới, họ đã ổn định và gặt hái được một mùa bội thu lương thực. Ngày lễ tạ ơn đầu tiên họ ăn mừng suốt ba ngày ba đêm, để tỏ lòng tạ ơn trời và mời người da đỏ đến chung vui như một sự cảm ơn thắm thiết.

Từ đó đến nay ngày lễ tạ ơn vẫn đều đặn diễn ra hàng năm, để như cỗ vũ cho một sự như thể một chân lý đạo đức của tất cả con người khắp mọi nơi là :
Hãy tạ ơn trời và cảm ơn người với lòng thật sự biết ơn !
Lễ Tạ Ơn 2010
Tịnh Mạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét